Di tích nghệ thuật thắng cảnh Núi_Nhồi

Núi Nhồi đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích nghệ thuật thắng cảnh cấp quốc gia tại Quyết định số 983/VH-QĐ ngày 8/4/1992.

Núi Nhồi có độ cao hơn 100 m, chu vi khoảng 4.000 m. Phía đông giáp làng Nhồi, tây bắc giáp núi Chồng Mâm có vẻ đẹp kỳ thú. Phía nam giáp núi Nấp (tên chữ là Quảng Nạp).[1]

Với dáng vẻ như một con voi khổng lồ đang nằm phủ phục, núi Nhồi đã cùng với núi Long phía bên kia sông Nhà Lê (sông được đào từ đời Hồng Đức nhà Lê) tạo nên cảnh thế "Voi phục hổ chầu".

Nổi bật nhất của cảnh quan núi Nhồi là trên đỉnh núi có một cột đá đứng sừng sững, cao khoảng 20 m, giống hình một người phụ nữ bế con, đứng nhìn đăm đăm về phía biển đông, mà từ xa xưa, bằng trí tưởng tượng phong phú, nhân dân đã gọi là Hòn vọng phu - Người vợ chờ chồng. Cũng như nàng Tô Thị ở vùng núi Lạng Sơn và ở ven biển Bình Định, Hòn vọng phu nơi đây cũng được tồn tại với một truyền thuyết đầy tính nhân bản.

Chung quanh vùng núi Nhồi xưa kia còn có nhiều đền, chùa kiến trúc bằng đá với những tấm bia chùa Báo Lai dựng năm 1100, các tượng, chim thần Ga-du-ra, tượng các võ sỹ, tượng phật ở các chùa thể hiện nét nghệ thuật điêu khắc đương thời. Chùa Tiên Sơn ở ngay chân núi phía đông núi Nhồi cũng là nơi lưu lại nhiều bức phù điêu quý, khắc các tượng Quan Đế, Chu Xương và các tượng voi đá, ngựa đá. Những pho tượng Chùa Tiên Sơn, động Quan Lão, chùa Báo Lai... và những bức phù điêu khắc trên vách đá núi Nhồi là những tác phẩm nghệ thuật khắc đá vô cùng quý giá.[1]

Ngoài ra, đây còn là nơi phát hiện ra một số hiện vật đồng thau: Rìu, dao găm, đục, giáo... và nhiều bộ xương của người cổ xưa, ở tầng văn hóa 0,60 - 1,80 m.[1]

Trải qua thời gian có nhiều biến đổi, và do việc khai thác đá thiếu kế hoạch, những di vật quý giá và cảnh quan kỳ thú ấy đã bị hư hỏng nhiều. Nhưng khu di tích thắng cảnh núi Nhồi vẫn là nơi hấp dẫn du khách gần xa.